• toân phöông nam
  • Tôn Việt Nhật
  • Che chở mọi công trình

Tôn Phương Nam - Bị làm giả hay bị “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”?

16/12/2022
|

Ngày 22/10/2021, Công an huyện Đại Từ phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thép Hùng Cường (Công ty Thép Hùng Cường). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn phụ Tôn Phương Nam.

Ngày 13/12/2022, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) mở phiên sơ thẩm xét xử 3 bị cáo: Nguyễn Minh Hưng (SN 1983, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Lê Văn Hùng (SN 1994, ở thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên) và Phan Tuấn Anh (SN 1986, trú phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), cùng về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo điểm đ khoản 2 Điều 226-BLHS.

Tóm tắt diễn biến vụ án

Theo cáo trạng, ngày 22/10/2021, Công an huyện Đại Từ phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thép Hùng Cường (Công ty Thép Hùng Cường). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn phụ Tôn Phương Nam.

Ngày 02/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã ra quyết định trưng cầu giám định, kết quả 8 mảnh tôn cắt ra từ 8 cuộn tôn được thu giữ không cùng loại với mẫu do Công ty Tôn Phương Nam cung cấp để so sánh.

Quang cảnh phiên tòa

Ngày 08/12/2021, Cơ quan CSĐT tiếp tục trưng cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Đại Từ xác định giá trị của 8 cuộn tôn mạ màu giả, xác định 8 cuộn tôn giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam bị thu giữ có giá trị tương đương 1.154.191.249 đồng.

Căn cứ vào kết luận giám định, kết luận định giá về 8 cuộn tôn mạ màu giả và các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả đối với bị cáo Hưng, Hùng, Tuấn Anh. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã có quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-CQĐT ngày 19/07/2022, theo đó thay đổi tội Buôn bán hàng giả quy định tại khoản 3 Điều 192 thành tội Xâm phạm sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 226 BLHS.

Theo cáo trạng, ban đầu Lê Văn Hùng cùng đồng phạm khai, Nguyễn Minh Hưng là Trưởng phòng kinh doanh, còn Phan Tuấn Anh là nhân viên kinh doanh của Công ty Tôn Vikor, địa chỉ tại Thái Bình. Hưng và Tuấn Anh đồng thời còn là cộng tác viên kinh doanh của Công ty Kim khí Thái Bình.

Khoảng tháng 9/2021, Hưng và Tuấn Anh đến địa bàn huyện Đại Từ gặp Hùng - người quản lý Công ty Thép Hùng Cường (bố đẻ Hùng đứng tên Giám đốc nhưng thực tế đã nhiều tuổi, không làm gì) để giới thiệu sản phẩm tôn mạ màu giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam. Giữa tháng 10/2021, Hùng liên hệ với Tuấn Anh đặt mua 8 cuộn tôn mạ màu giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam với giá 800 triệu đồng để sau đó bán ra thị trường kiếm lời cao. Hưng sau đó báo cho lãnh đạo Công ty Tôn Vikor và nhận được sự đồng ý của doanh nghiệp này là sẽ sản xuất lượng hàng hóa giả theo yêu cầu của Hùng.

Do công ty của mình không có phôi để gia công tôn mạ màu nên Hưng liên hệ với Giám đốc Công ty Kim khí Thái Bình để lấy 8 cuộn phôi tôn, rồi chuyển về Công ty Tôn Vikor để gia công tôn giả của Công ty Tôn Phương Nam. Hoàn thành đơn hàng, số hàng hóa này được giao "nguyên đai, nguyên kiện", nhưng không dán tem nhãn phụ và không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó, Hùng thuê người in tem mẫu tem nhãn phụ của Tôn Phương Nam và dán vào 8 cuộn tôn lậu nhằm đánh lừa khách hàng, nhưng chưa kịp tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Lời khai ban đầu các bị cáo đều khẳng định biết rõ 8 cuộn tôn mạ màu nêu trên là tôn giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam và do Công ty Tôn Vikor sản xuất theo đơn đặt hàng của Lê Văn Hùng... Nhưng quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định không có căn cứ cho thấy số hàng hóa thu giữ là do Công ty Tôn Vikor sản xuất. Đến ngày 24/12/2021, các bị cáo đồng loạt thay đổi lời khai khi cho rằng 8 cuộn tôn mạ màu bị thu giữ là do Hưng mua của đối tượng tên Tú (không rõ lai lịch) tại Cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng, sau đó mang về bán cho Hùng.

Giải thích về việc thay đổi lời khai trong quá trình điều tra, các bị cáo cho rằng, ban đầu khai 8 cuộn tôn mạ màu bị thu giữ là do Công ty Tôn Vikor sản xuất vì nghĩ như thế sẽ nhẹ tội. Tuy nhiên về sau, suy nghĩ thấu đáo và ân hận nên đã khai báo lại đúng sự thật.

                                                                     Hội đồng xét xử 

Lý giải về việc thay đổi tội danh, đại diện Viện KSND huyện Đại Từ cho biết, ban đầu, các bị cáo bị khởi tố, điều tra về tội "Buôn bán hàng giả" nhưng về sau cơ quan tố tụng quyết định thay đổi tội danh. Lý do là vì xét về cấu thành tội phạm cơ bản, hành vi của các bị cáo phù hợp với quy định, chế tài của Điều 226-BLHS.

Theo Viện kểm sát, tài liệu điều tra chưa chứng minh được nơi sản xuất các cuốn tôn mạ màu dán tem giả. Bị cáo Hùng biết các cuộn tôn không đầy đủ tem mác nên đã nhờ người in tem của Tôn Phương Nam để dán lên đó. Như vậy là có đủ dấu hiệu về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". Mặt khác, Viện KSND Thái Nguyên đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) nhưng Viện này khẳng định: "Hiện không có đơn vị nào có khả năng phân tích được mẫu vật theo yêu cầu nên từ chối giám định tiêu chuẩn chất lượng đối với 8 cuộn tôn thu giữ của Lê Văn Hùng".

"Điều 7, Nghị định 98/2020 nêu rõ về giám định hàm lượng và dù đã trưng cầu giám định nhưng Viện Khoa học hình trả lời là không thể giám định được. Nếu hàm lượng tôn dưới 70% thì mới có cơ sở khởi tố, truy tố tội buôn bán hàng giả" - Viện kiểm sát cho biết.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp

Chia sẻ tại Tòa, đại diện của Công ty Tôn Phương Nam cho biết, thời gian qua Công ty nhận được rất nhiều thông tin về việc xuất hiện các loại tôn cùng mẫu mã, nhãn hiệu với tôn Phương Nam nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh số, sản lượng… của Công ty, đặc biệt là thị trường khu vực phía Bắc. Do vậy, Công ty tha thiết mong muốn Hội đồng xét xử làm việc công minh để xử đúng người, đúng tội, mang tính răn đe, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tôn Phương Nam quyết tâm theo đuổi vụ kiện để chứng minh môi trường kinh doanh trong sạch của Việt Nam.

Theo Luật sư đại diện quyền lợi cho phía Công ty Tôn Phương Nam thì ngoài 8 cuộn tôn giả nêu trên, theo lời khai của Bị cáo Lê Văn Hùng tại bút lục số 416 và 418 và tháng 9/2021, Bị cáo Hùng có đặt  mua của Bị cáo Tuấn Anh 02 lần, một lần 06 cuộn và một lần 04 cuộn tôn cũng là hàng giả Tôn Phương Nam về bán kiếm lời và đã bán hết số tôn đó ra thị trường.

Bị cáo Hùng biết rõ số tôn mua của Bị cáo Tuấn Anh là hàng giả Tôn Phương Nam. Điều này thể hiện việc mua bán hàng giả Tôn Phương Nam đã xảy ra nhiều lần và trong một thời gian dài, có tổ chức từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng giả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của Công ty Tôn Phương Nam và làm sụt giảm sản lượng tôn mạ mầu của Công ty tại thị trường phía Bắc nói chung và thị trường Thái Nguyên nói riêng. Mặt khác, Tôn Phương Nam lại là một công ty liên doanh nước ngoài, đối tác là người Nhật Bản, rất trọng chữ tín, do đó, Công ty quyết tâm theo đuổi vụ kiện để chứng minh môi trường kinh doanh trong sạch của Việt Nam.

Việc xác định nguồn gốc các cuộn tôn mạ màu giả là một vấn đề quan trọng của vụ án, vì việc này giúp răn đe, ngăn chặn và xử lý triệt để hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cũng như tránh bỏ lọt tội phạm.

Từ các lập luận và căn cứ trên, phía Công ty Tôn Phương Nam đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ về việc xác định tội danh của từng bị cáo theo thực tế diễn của Vụ án và xác định nguồn gốc các cuộn tôn giả; Yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại 78 triệu đồng; Quyền đòi bồi thường thiệt hại gần 159 tỉ đồng khi có đủ căn cứ theo quy định pháp luật.

Trước tính chất phức tạp của vụ án, sau 1 ngày làm việc, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Đại Từ quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều 16/12.

Trích Nguồn :https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ton-phuong-nam-bi-lam-gia-hay-bi-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-101400.htm?print=print

 

Tin liên quan